Truy cập hiện tại

Đang có 226 khách và không thành viên đang online

Bác Tôn - tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo

(TUAG)- Cách nay 135 năm, Bác Tôn Đức Thắng kính yêu của chúng ta được sinh ra trong căn nhà sàn, tại cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Truyền thống của quê hương, gia đình, cùng với sự nỗ lực của bản thân, học tập rèn luyện suốt đời, đã hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của Bác Tôn, để một con người bình thường trở nên vĩ đại!



Bác Tôn của chúng ta không viết sách, không để lại quyển sách nào. Nhưng Bác để lại cho chúng ta một tác phẩm lớn, đó là cuộc đời của Bác. Cuộc đời gần trăm năm, với hơn sáu mươi năm phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, một quá trình đấu tranh liên tục không mệt mỏi, để lại trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước  và bạn bè quốc tế những đức tính tốt đẹp và tình cảm hết sức sâu đậm; để lại di sản “chất NGƯỜI Tôn Đức Thắng” mà chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau cần học tập, noi theo, đó là:

Chất NGƯỜI sớm có lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Được sinh ra và lớn lên trong truyền thống yêu nước và nhân ái của quê hương, gia đình, Bác Tôn sớm có tư tưởng và hành động yêu nước. Sự căm thù thực dân xâm lược và bọn bán nước đã thúc giục Người quyết chí ra đi, thâm nhập thực tế xã hội để tìm hiểu và đóng góp sức mình đấu tranh vì nước, vì dân.   

Gia đình thuộc trung nông, với trình độ tốt nghiệp tiểu học trường tỉnh, có thể làm thầy thông, thầy ký. Nhưng Bác Tôn có chí hướng đi về phía nhân dân lao động, lập nghiệp bằng con đường làm thợ, hòa mình vào đời sống của giai cấp công nhân. Đây là bước ngoặt đầu tiên phù hợp với sự phát triển thế giới nội tâm của một người thanh niên có học, có khát vọng làm những việc có ích cho đất nước, dân tộc và nhân dân.


Cuộc sống người thợ, sự năng động trong tư duy, nhạy bén nắm bắt cái mới là nét nổi bật trong tính cách của Bác Tôn. Khi chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và lập trường giai cấp, nhưng đứng trên lập trường của một người yêu nước, hòa nhập và hiểu rõ nỗi đau khổ của công nhân, Bác Tôn trở thành hạt nhân lãnh đạo các cuộc bãi công của công nhân Ba Son, bãi khóa của học sinh trường Bá Nghệ. Trước bất công, Bác Tôn luôn đứng mũi chịu sào, biết tổ chức, dũng cảm, kiên cường chống lại áp bức, cường quyền.

Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập, Bác Tôn đã nhanh chóng nhập Công hội bí mật vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đó, Bác Tôn Đức Thắng hoạt động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.

Thời gian bị đọa đày trong địa ngục trần gian Côn Đảo là sự thử thách khốc liệt nhất. Bác Tôn tỏ rõ nghị lực phi thường, chí khí quật cường của người công nhân, bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hành động của Bác Tôn làm kẻ thù phải e dè, kính nể, bạn tù kính phục. Phẩm chất và ý chí cách mạng kiên cường, tấm gương đạo đức của Bác không những có ảnh hưởng lớn đối với các đồng chí của mình mà còn cảm hóa được một số tù chính trị và tù thường phạm.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn tham gia ngay vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Ở nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, mặc dù tuổi cao, Bác Tôn vẫn phấn đấu không mệt mỏi góp phần cùng với Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội và Mặt trận lãnh đạo hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi vẻ vang. Lý tưởng phấn đấu cho sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động được Bác Tôn theo đuổi, thực hiện trọn vẹn trong suốt cả cuộc đời.



Chất NGƯỜI phấn đấu vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, luôn yêu thương, kính trọng nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ.

Từ những cuộc đấu tranh đầu tiên trong những năm 1909 - 1912, Bác Tôn đã hiểu rõ đoàn kết làm nên sức mạnh. Những cuộc phản chiến trên Biển Đen (tháng 4/1919), bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925)… mà Bác trực tiếp tham gia, lãnh đạo giành thắng lợi càng khẳng định chân lý đó.

Trong vai trò lãnh đạo Mặt trận, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, trau dồi đạo đức cách mạng để cho “dân yêu, dân tín, dân trọng” nhằm bảo đảm vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết nhân dân đã tạo thành sức mạnh vô địch, Mặt trận Dân tộc thống nhất đạt nhiều thắng lợi, Mặt trận Việt Minh giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Những ngày đầu khi chế độ mới và chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt uy hiếp... Vận mệnh Tổ quốc trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đại đoàn kết toàn dân vì nền độc lập của Tổ quốc là trên hết. Bác Tôn đã góp phần “đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và các đồng bào yêu nước vô đảng vô phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, để làm cho nước Việt Nam: Độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường!”.

Bằng phẩm chất và năng lực của mình, Bác Tôn thực hiện xuất sắc chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chất NGƯỜI gương mẫu đạo đức cách mạng: Nhân ái, thủy chung, khoan dung, nhân hậu; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị.

Với tấm lòng yêu nước thương dân, căm thù bọn xâm lược, Bác Tôn sớm bộc lộ lòng yêu thương người bất hạnh, cùng khổ, thích bênh vực người yếu, chống mọi sự bất công, ra tay trị những kẻ ỷ thế ăn hiếp người khác.

Tình thương người được mở rộng và nâng lên cùng nhận thức trong quá trình hoạt động thực tiễn. Trong đội ngũ những người lao động, đức tính, phong cách công nhân, giản dị, chân thành, trong sáng, thể hiện trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, trong mọi hoạt động, giao tiếp và ứng xử của Người. Trong ngục tù đế quốc, hình ảnh “người cặp rằng Hầm xay lúa” Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, thương yêu những đồng chí anh em cùng cảnh ngộ. Phải sống chung với bọn côn đồ, làm những công việc nặng nhọc nhất, nhưng bằng đạo đức cách mạng và bằng trái tim nhân ái, Bác Tôn đã kiên trì giáo dục, giác ngộ, đoàn kết tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm, dần dần đã cảm hóa số tù lưu manh; không khí thương yêu, giúp đỡ nhau thay thế bạo lực, thù hằn.

Người sống nhân ái, tình nghĩa đối với đồng chí, đồng bào. Thương một cựu tù Côn Đảo già yếu vào mùa đông giá rét, Bác đã mua một tấm nệm mút mang đến tặng. Bác trích tiền lương của mình giúp đỡ gia đình một cố bộ trưởng nuôi 2 người con ăn học đến ra trường...

Đối với đấng sinh thành, Bác Tôn là người con hiếu thảo. Đạo lý hiếu thảo với cha mẹ đọng mãi trong bức thư của người con ngót sáu mươi tuổi gửi về thăm mẹ đã trên dưới tám mươi tuổi, trong nổi nhớ thương day dứt: “... Con rất đổi buồn lo không biết mẹ còn sống với con cháu không? Mẹ đã luống tuổi rồi. Chẳng may mẹ có bề nào mà chẳng được thấy mặt con, và con không thọ được tang cho phải đạo làm con, thì đau đớn biết nhường nào…”. Đối với gia đình, vợ con, Bác Tôn là người chồng, người cha có trách nhiệm, rất mực yêu thương và thủy chung. Việc tặng chiếc cối xay tiêu cho Bác gái đỡ nhọc nhằn khi nấu ăn đã thể hiện sự quan tâm và nghĩa tình sâu nặng của Bác Tôn đối với vợ.
Người là một tấm gương tiết kiệm mẫu mực: tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình, trong công tác; tiết kiệm tài sản của nhân dân, đất nước, đồng thời cũng tiết kiệm cho bạn bè quốc tế. Bác sống liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chân thành, không tham quyền, cố vị, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết.


Ngôi nhà sàn thời niên thiếu Bác Tôn ở.

Thời kỳ làm Chủ tịch nước, sau khi Bác Tôn gái qua đời, Bác Tôn bảo hai cô con gái ra phố ở, để sau này khi Bác không làm việc nữa thì dễ trả nhà cho Chính phủ. Một hành động nhỏ nhưng hàm chứa một đạo lý nhân sinh, mục đích sống cao đẹp, mà một người bình thường khi có chức, có quyền dễ mấy ai làm được. Trong nhân dân ta vẫn còn sáng mãi hình ảnh một vị Chủ tịch nước cao tuổi về thăm quê với bộ quần áo bạc màu với yêu cầu hết sức hạn chế xe đưa, người đón vì “sợ hao phí tiền của và công sức của Nhà nước và Nhân dân”.

Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị của Bác Tôn đã hàm chứa được cái đẹp, trọn vẹn trong đời thường và gương mẫu đạo đức cách mạng.  

Chất NGƯỜI có tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, Bác Tôn luôn phấn đấu vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Bác là một trong những công nhân Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp và xây dựng mối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Bác tham gia cuộc nổi dậy phản chiến của hải quân Pháp ở Biển Đen, kéo cờ đỏ trên chiến hạm France, ủng hộ nước Nga Xô viết, Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, có ý nghĩa là một biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế vô sản, đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga. Cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8/1925 do Bác Tôn lãnh đạo là mốc đánh dấu tinh thần đoàn kết quốc tế của công nhân Việt Nam với công nhân và cách mạng Trung Quốc.

Khi giữ nhiều cương vị khác nhau của Đảng, Nhà nước, Bác Tôn đã có những đóng góp lớn lao trong việc xây dựng khối đoàn kết quốc tế, giữ gìn và củng cố hòa bình thế giới; là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới.

Những đức tính của Bác Tôn - “chất NGƯỜI Tôn Đức Thắng” sẽ mãi như những ngọn núi của quê hương An Giang, đời đời làm chuẩn gióng hướng cho các thế hệ đi sau, theo hướng đó thì đúng, tốt và nên, lạc hướng đó thì sai, xấu và hư.



Học Bác Tôn, học “chất NGƯỜI Tôn Đức Thắng”, thế hệ con cháu hôm nay và cả mai sau cần xác định mục tiêu lý tưởng cho cuộc đời và sự nghiệp của mình, lựa chọn một cuộc sống có ý nghĩa. Nâng cao tinh thần yêu nước, phấn đấu hết lòng, hết sức vì nước, vì dân, có trách nhiệm trong công việc, luôn đi đầu, làm trước, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất, trong những tình huống hiểm nghèo nhất. Có quan niệm đúng đắn về ngành nghề trên tinh thần giai cấp công nhân: Con người yêu nước, lao động sáng tạo, phục vụ nhân dân. Bước vào đời với ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm và sự cần cù. Lập nghiệp, chọn nghề phải phù hợp với nhân cách, phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội, để đạt tới đỉnh cao trí tuệ và đóng góp nhiều nhất cho đất nước.

Xây dựng đoàn kết nội bộ, phát huy cao độ trí tuệ tập thể, kết hợp vai trò cá nhân phụ trách, thực hiện công khai và dân chủ. Đoàn kết nội bộ không phải chỉ thống nhất hành động, thống nhất tư tưởng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng mà còn phải gây tình thân ái mật thiết giữa mọi người, giúp đỡ, yêu thương, quí trọng nhau. Nhưng không phải một chiều, tâng bốc nhau, mà phải có đấu tranh thẳng thắn, có lý, có tình, xây dựng, giúp nhau phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ.

Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng hành động thiết thực trên cơ sở xác định và thực hiện các chủ trương, chính sách, giải quyết thỏa đáng lợi ích của các tầng lớp nhân dân, giải quyết kịp thời những yêu cầu hợp lý của nhân dân; đồng thời lắng nghe ý kiến, trao đổi bàn bạc dân chủ với nhân dân.

Giữ gìn phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và lối sống giản dị, khiêm tốn của người cán bộ cách mạng; trong quá trình thực hiện mục tiêu lý tưởng, dù ở cương vị nào cũng phải gắn bó mật thiết với dân, lắng nghe, chia sẻ gian khổ với dân, phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân./.

H.B
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37198460